Lịch sử và sự phát triển môn Bắn súng thể thao ở Việt Nam.

2012

  • Tháng 01/2012:
  1. Đồng đội Súng ngắn Ổ quay: 1722 điểm, HC bạc
  2. Hoàng Xuân Vinh – Súng ngắn Ổ quay: 583 điểm, HC đồng
  3. Đồng đội Súng ngắn hơi nam: 1734 điểm – HC đồng – Phá kỷ lục QG
  4. Đồng đội Súng trường hơi di động tiêu chuẩn nam: 1632 điểm, HC đồng
  5. Đồng đội Súng trường hơi di động hỗn hợp nam: 1094 điểm, HC đồng

2011

  • Vàng cá nhân:
  1. Hoàng Xuân Vinh – 583 điểm, Súng ngắn Ổ quay
  2. Hà Minh Thành – 579 điểm, Súng ngắn Bắn nhanh
  3. Nguyễn Duy Hoàng – 1140 + 92.8 = 1232.8 điểm, Súng trường 3×40
  4. Ngô Hữu Vượng – 565 điểm, ST di động tiêu chuẩn
  5. Đỗ Đức Hùng – 367 điểm, ST di động hỗn hợp
  6. Lê Thị Hoàng Ngọc – 574 + 203.4 = 777.4 điểm, Súng ngắn thể thao
  • Vàng đồng đội:
  1. Súng trường hơi di động hỗn hợp nam: 1095 điểm
  2. Súng ngắn thể thao nữ: 1123 điểm
  3. Súng ngắn hơi nữ: 1123 điểm
  4. Súng trường hơi di động hỗn hợp nữ: 1095 điểm
  5. Súng trường hơi di động tiêu chuẩn nam: 1667 điểm
  6. Súng ngắn bắn nhanh nam: 1705 điểm
  7. Súng ngắn ổ quay: 1732 điểm
  • Bạc cá nhân:
  1. Hà Minh Thành – 562 điểm Sùng ngắn  tiêu chuẩn
  2. Nguyễn Thu Vân – 377 điểm + 98.4  = 475.4 điểm – Súng ngắn thể thao
  3. Nguyễn Thị Phương – 592 điểm Súng trường nằm
  4. Nguyễn Thị Phương – 571 + 97.6 = 668.6 điểm Súng trường 3×20
  5. Cù Thị Thanh Tú – 353 điểm ST di động hỗn hợp

_____Phạm Thị Hà – 576 + 196.4 = 772.4 điểm SN thể thao, thứ 2

  • Bạc đồng đội:
  1. Súng trường hơi di động tiêu chuẩn nữ: 1023 điểm
  2. Súng trường 3×20 nữ: 11694 điểm
  3. Súng trường nằm nữ: 1150 điểm
  4. Súng trường 3×40 nam: 3385 điểm
  5. Súng trường hơi nam: 1743 điểm
  6. Súng ngắn tiêu chuẩn nam: 1663 điểm
  7. Súng ngắn bắn chậm nam: 1623 điểm
  • Đồng cá nhân:
  1. Hoàng Xuân Vinh – 577 + 98.1 = 657.1 điểm Súng ngắn hơi
  2. Vũ Thành Hưng – 584 + 102.0 = 686 điểm Súng trường nằm

_____Đặng Hồng Hà – 356 điểm ST di động hỗn hợp. thứ 3

  • Đồng đồng đội:
  1. Súng ngắn hơi nam: 1705 điểm
  2. Súng trường nằm nam: 1749 điểm
  3. Súng trường hơi nữ: 1157 điểm
  • Tháng 11/2011: Đội tuyển Bắn súng Việt Nam tham dự SEA Games 26 tại Indonesia gồm 29 thành viên. Trong đó Huấn luyên viên trưởng Nguyễn Thị Nhung, Trưởng đoàn, Huấn luyện viên, chuyên gia và 24 Vận động viên tham gia thi đấu 14 nội dung thi cá nhân.
  • Thành tích đạt được: 07 HC vàng, 03 HC bạc và 03 HC đồng. Bắn súng Malaysia đứng thứ 2 với  02 HC vàng,  04 HC bạc và  03 HC đồng. Thái Lan chỉ giành được 01 HC vàng, 06 HC bạc và 05 HC đồng, đứng thứ 5
  • 07 Huy chương vàng của đội tuyển bắn súng Việt Nam:
  1. Hoàng Xuân Vinh – Quân đội – Súng ngắn hơi nam: 570 điểm + 97,3 = 657,3 điểm
  2. Hoàng Xuân Vinh – Quân đội – Súng ngắn ổ quay: 585 điểm
  3. Hà Minh Thành – Quân đội – Súng ngắn bắn nhanh: 584 điểm, Chung kết: 29 điểm
  4. Nguyễn Duy Hoàng – Quân đội – Súng trường 3×40: 1143 điểm + 97,6 = 1240,6 điểm
  5. Trần Quốc Cường – Hải Dương – Súng ngắn bắn chậm: 557 điểm + 93,7 = 650,7 điểm
  6. Ngô Hữu Vượng – Hà Nội – Súng trường hơi di động tiêu chuẩn nam: 556 điểm
  7. Vũ Thành Hưng – Hà Nội – Súng trường bắn nằm nam: 593 điểm + 103,7 = 696,7 điểm
  • 03 Huy chương bạc của đội tuyển Việt Nam
  1. Đỗ Đức Hùng – Quân đội – Súng trường hơi di động tiêu chuẩn nam: 550 điểm
  2. Lê Thị Hoàng Ngọc – Quân đội – Súng ngắn hơi nữ: 380 điểm +  98,2 = 482,2
  3. Hoàng Xuân Vinh – Quân đội – Súng ngắn bắn chậm: 543 điểm + 97,9 = 640,9 điểm
  • 03 Huy chương đồng của đội tuyển Việt Nam
  1. Trần Quốc Cường – Hải Dương – Súng ngắn hơi nam: 575 điểm + 96,1 = 671,1 điểm
  2. Bùi Quang Nam – Hà Nội – Súng ngăn tiêu chuẩn nam: 559 điểm
  3. Hà Minh Thành – Quân đội – Súng ngắn ổ quay: 579 điểm

Thời kỳ trước 2010

Thông tin được HLV Nguyễn Tiến Trung cung cấp từ các tài liệu có liên quan và Internet

  • Ở nước ta, sau khi miền Bắc được giải phóng, năm 1954 chấp hành Nghị Quyết Hội nghị lần thứ 12 của Trung ương Đảng và chỉ thị 186 của Ban Bí Thư Trung ương, phong trào Thể thao Quốc phòng bước đầu được xây dựng dưới hình thức tổ chức hoạt động Bắn súng thể thao tại 2 cơ sở Câu lạc bộ nghành Đường sắt Hà Nội (3/1957) và cảng Hải Phòng (7/1957) đã thu hút được một số công nhân tham gia. Sau đó triển khai dần dần ở 32 tỉnh, thành phố, thị xã và trong các cơ quan xí nghiệp, trường học…
  • Năm 1958, nước ta lần đầu tiên cử đoàn thể thao tham dự Đại hội Thể thao Quân đội các nước Xã hội Chủ nghĩa ở Leipzig (CHDC Đức cũ), trong đó có môn Bắn súng. Cuối năm 1958 tại trường bắn Bạch Mai (Hà Nội), cuộc thi Bắn súng Toàn miền Bắc lần thứ nhất cũng được tổ chức với môn thi súng ngắn quân dụng, súng trường quân dụng nắm bắn có bệ tỳ 3 + 10, cự ly 100 mét. Từ đó trở đi, hàng năm hầu như đều được tổ chức các giải thi Bắn súng thể thao và súng quân dụng ở các nghành Quân đội, Công an… và Toàn miền Bắc.
  • Tháng 12/1959 Câu Lạc bộ bắn súng Trung ương được thành lập tại Xuân Mai (Hà Tây cũ) là Trung tâm đào tạo VĐV Bắn súng nâng cao đầu tiên ở nước ta. Trong đó có mở các lớp bồi dưỡng đào tạo huấn luyện viên và trọng tài Bắn súng thể thao cho các tỉnh thành, ngành. Theo thống kê của Vụ thể thao quốc phòng thì đến năm 1960 – 1961 số người tập bắn súng ở miền Bắc đã tăng nhanh từ 10 vạn đến 40 vạn. Nếu tính cả số người tham gia tập bắn súng trong dân quân tự vệ và các lực lượng vũ trang thì số lượng lên tới 1,5 triệu người luyện tập môn Bắn súng.
  • Ngày 28/10/1961, Vụ Thể thao Quốc phòng – Ủy ban TDTT Trung ương, đã họp chính thức thành lập Hội Bắn súng thể thao Việt Nam và chỉ định đồng chí Phùng Duy Phiên làm Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Thanh Trạm làm Tổng thư ký Hội Bắn súng thể thao của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Ban chấp hành Trung ương của Hội Bắn súng thể thao Việt Nam, gồm có: đồng chí Phùng Duy Phiên làm Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Thanh Trạm làm Tổng thư ký, một số uỷ viên thường trực là cán bộ huấn luyện viên Câu lạc bộ Bắn súng Trung ương và các ngành như Quân đội, Công an… với 3 tiểu ban là: Tiểu ban tuyên truyền và tổ chức, tiểu ban huấn luyện và y học, tiểu ban thi đấu và trọng tài. Đây cũng được coi là Đại hội đầu tiên của Hội Bắn súng thể thao Việt nam.
  • Để đáp ứng với phong trào ngày càng phát triển, Bộ nội vụ đã ký Nghị định số 237/NĐ cho phép Hội chính thức phép được hoạt động. Trong điều lệ Bắn súng thể thao Việt Nam ở chương 1 có ghi rõ “Hội Bắn súng thể thao Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà là một phần tổ chức quần chúng hoạt động nghiệp dư dưới sự lãnh đạo của Uỷ ban TDTT Trung ương. Tuân chỉ mục đích của Hội thể thao Bắn súng Việt Nam là phát triển và nâng cao phong trào TDTT Bắn súng trong nhân dân lao động nhằm phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, củng cố quốc phòng và bảo vệ tổ quốc, đồng thời phát triển mối quan hệ hữu nghị với các VĐV các nước trên thế giới”…
  • Tuy mới được thành lập, nhưng Hội thể thao Bắn súng Việt Nam đã góp phần không nhỏ vào việc chỉ đạo quần chúng luyện tập, tổ chức huấn luyện đào tạo VĐV Bắn súng nâng cao và tổ chức thi đấu trong nước nhằm tiến hành tuyển chọn, thành lập đội tuyển Bắn súng Việt Nam đi thi đấu Quốc tế để mang về cho tổ quốc những tấm huy chương quý giá. Tháng 7/1962, VĐV Trần Oanh (Quân đội), đạt HCV với thành tích 587 điểm về môn thi súng ngắn ổ quay, vượt 1 điểm so với kỷ lục Thế giới, tại giải Đại hội thể thao Quân đội các nước xã hội chủ nghĩa – Plezen (Tiệp Khắc). Năm 1966, giải Ganefo Châu Á được tổ chức tại Phnom Penh (Campuchia), VĐV Trần Oanh (Quân đội), đạt HCV với thành tích 554 điểm, phá kỷ lục Quốc gia về môn thi súng ngắn bắn chậm và cùng với VĐV Nguyễn Mạnh Hùng (Hà Nội) giành được HCV đồng đội ở môn bắn này. VĐV Đặng thị Kim Thanh (CLB Bắn súng Trung ương), đạt HCB với thành tích 537 điểm về môn thi súng ngắn bắn chậm nữ và cùng với VĐV Nguyễn Thị Thanh Chương (Hải Phòng), đạt HCB đồng đội về môn bắn này, VĐV Mai Thích (CLB Bắn súng Trung ương) cũng giành được HCB về môn thi súng trường 3 tư thế (3×40), phá kỷ lục Quốc gia với thành tích 1124 điểm…các VĐV Bắn súng nước ta đã đạt thành tích vẻ vang tại giải Ganefo Châu Á – Phnom Penh (Campuchia) với 13 huy chương (2 vàng, 8 bạc, 3 đồng).
  • Các năm sau đó, BCH Hội thể thao Bắn súng nước ta đã nhiều lần nộp đơn xin ra nhập Hiệp hội Bắn súng Quốc tế (UIT), nhưng chưa được công nhận. Từ năm 1979 – 1980, để VĐV Bắn súng Việt Nam được quyền tham gia thi đấu Thế vận hội Olimpic – Maxcơva lần thứ XXII, đồng chí Nguyễn Thanh Trạm – Tổng thư ký Hội Bắn súng thể thao Việt Nam đã gửi đơn xin ra nhập Hiệp hội Bắn súng Quốc tế (UIT), nhờ có sự giúp đỡ của Hội Bắn súng Liên xô (cũ) và CHDC Đức (cũ), Hội Bắn súng thể thao Việt Nam đã được công nhận là thành viên chính thức của UIT từ tháng 6 năm 1980.
  • Trong thời gian thi đấu Thế vận hội Olimpic – Maxcơva lần thứ XXII năm 1980 tại Maxcơva và tại ASIAD lần thứ 9 – Niu Đêli (Ấn Độ) năm 1982, Hiệp hội bắn súng Quốc tế  (UIT) đã họp, nước ta đã cử đồng chí Nguyễn Duy Phát, Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Bắn súng Việt Nam làm đại biểu đi tham dự hội nghị Bắn súng Châu Á bàn về sửa đổi điều lệ và chương trình thi Bắn súng Quốc tế trong các năm tiếp theo.
  • Trải qua nhiều thập kỷ hình thành và phát triển, có thể dễ nhận thấy trong lịch sử môn Bắn súng nước ta những năm 1962 – 1966 và 1980 – 1984 là thời kỳ hoàng kim của những kỷ lục mới về môn Bắn súng của Việt Nam. Trong đó tiêu biểu là các thành tích: tháng 4/1980, VĐV Nguyễn Tiến Trung (Hà Nội) đạt 1151 điểm, phá kỷ lục Quốc gia 27 điểm so với kỷ lục của VĐV Mai Thích cũng tồn tại sau 14 năm về môn thi súng trường 3 tư thế (3×40), giải Bắn súng Thế giới tổ chức tại Xukhumi – Gruzia (Liên xô cũ). Tháng 5/1980, VĐV Nguyễn Tiến Trung (Hà Nội) đạt 596 điểm xếp thứ 6, tự phá kỷ lục Quốc gia 1 điểm về môn thi súng trường nam nằm bắn 60 viên tại giải Cúp Bắn súng Thế giới – Suhl (CHDC Đức cũ). Tháng 6/1980, VĐV Ngô Hữu Kính (Đường sắt) đạt 562 điểm, phá kỷ lục Quốc gia 8 điểm so với kỷ lục của VĐV Trần Oanh sau 14 năm tồn tại về môn thi súng ngắn bắn chậm tại Leipzig (CHDC Đức cũ). Năm 1982, VĐV Nguyễn Quốc Cường (Quân đội) đạt HCĐ với 591 điểm, bằng kỷ lục Quốc gia về môn thi súng ngắn bắn nhanh tại ASIAD lần thứ 9 – Niu Đêli (Ấn Độ). Tháng 5/1984, VĐV Nguyễn Quốc Cường (Quân đội), đạt 595 điểm, tự phá kỷ lục Quốc gia 4 điểm về môn thi súng ngắn bắn nhanh tại giải Vô địch thể thao Quân đội các nước hữu nghị – Frankfurt (CHDC Đức cũ).
  • Từ khi thể thao Việt Nam lần đầu tiên hội nhập trở lại đấu trường khu vực tại SeaGame 15 – Malaysia năm 1989, VĐV Bắn súng nước ta đã đạt 3 HCV và nhiều HCB, HCĐ. Cũng từ đó VĐV Bắn súng nước ta đã liên tiếp lập kỷ lục và giành nhiều huy chương tại các kỳ Sea Games và ASIAD. Trong đó tiêu biểu nhất là VĐV Đặng Thị Đông (Quân đội) đạt HCV với thành tích 595 điểm, phá kỷ lục Quốc gia 2 điểm, phá kỷ lục Sea Games 4 điểm, vượt kỷ lục Châu Á về môn thi súng trường nữ nằm bắn tại Sea Games 16 – Philippin năm 1991, VĐV Đào Minh Tâm (Hải Phòng) đạt HCV với thành tích 578 điểm về môn thi súng ngắn thể thao nữ tại Sea Games 18 – Thái Lan năm 1995, VĐV Phạm Cao Sơn (Hải Phòng) đạt HCB với thành tích 574 điểm về môn thi súng ngắn tiêu chuẩn tại giải Vô địch Châu Á – Malaysia năm 2000, VĐV Nguyễn Mạnh Tường (Bộ Công An) đạt HCB với thành tích 581 điểm, về môn thi súng ngắn ổ quay tại ASIAD 14 – Busan (Hàn Quốc) năm 2002, VĐV Đặng Hồng Hà (Hà Nội) đạt HCĐ với thành tích 368 điểm, tại ASIAD 15 – DOHA (Qatar) năm 2006…
  • Những số liệu về số lượng VĐV Bắn súng và thành tích bắn thi trong 50 năm (1958 – 2008), cho thấy quá trình hình thành và phát triển môn Bắn súng ở nước ta được chia làm 4 giai đoạn là: hình thành, phát triển, tạm ngưng và khôi phục.
  • Giai đoạn hình thành (1958 – 1962): Môn Bắn súng thể thao bắt đầu được tổ chức tập luyện ở Việt Nam, bước đầu xây dựng VĐV trong Quân đội và ngành Đường sắt. Trong giai đoạn này tổ chức thi đấu môn Bắn súng quân dụng và Bắn súng thể thao phổ thông như Bruno – 2, Bruno – 4, Toz – 8, súng ngắn Drulov…
  • Giai đoạn phát triển (1963 – 1969): Trong những năm này, các môn Bắn súng theo tiêu chuẩn Quốc tế được phổ biến rộng rãi trên toàn miền Bắc, các Đại hội thi môn Bắn súng hàng năm được tổ chức làm 2 giải: hạng A dành cho các môn thi Bắn súng nâng cao, hạng B dành cho các môn thi Bắn súng phổ thông (phong trào). Lực lượng VĐV nâng cao cũng được hình thành từ Trung ương đến các tỉnh thành nghành. Số người tập luyện và tham gia thi đấu đông, cùng với số người đạt tiêu chuẩn đẳng cấp VĐV và thành tích môn Bắn súng được nâng cao rõ rệt.
  • Giai đoạn tạm ngừng (1970 – 1972): Do điều kiện chiến tranh khó khăn và chủ yếu là sự chưa thống nhất trong quan điểm dẫn tới việc ngưng tổ chức các giải trong phạm vi toàn miền Bắc, đồng thời giải tán Vụ thể thao Quốc phòng và Câu lạc bộ Bắn súng Trung ương cùng các Trường huấn luyện thể thao nâng cao khác. Từ đó số lượng VĐV và thành tích thể thao giảm sút nhanh chóng ở tất các môn thể thao.
  • Giai đoạn khôi phục (1973 – 2004): Do yêu cầu quan hệ Thể thao Quốc tế ngày càng mở rộng, Bắn súng lại được coi là một trong những môn thể thao trọng tâm. Hàng năm, Đội tuyển Bắn súng được đi tập huấn và tham dự một số giải Bắn súng Quốc tế và tổ chức thi đấu các giải trong nước. Lực lượng VĐV Bắn súng dần được khôi phục và tăng lên ở các tỉnh, thành, ngành như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Quân đội, Bộ Công an, T/P Hồ Chí Minh và một số Trường Đại học TDTT. Thành tích các môn Bắn súng ở Việt Nam trong 50 năm qua cũng diễn biến theo từng làn sóng, nó phụ thuộc vào các yếu tố lịch sử của đất nước, chủ trương đường lối chính sách của  Đảng và Nhà nước ta nói chung cho ngành TDTT để mở rộng và phát triển phong trào. Đồng thời năng cao chất lượng và hiệu quả về công tác huấn luyện, đào tạo đội ngũ HLV, VĐV thể thao thành tích cao.
  • Năm 1994, tại Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia I, Từ Liêm – Hà Nội. Đại hội Hội thể thao Bắn súng Việt Nam lần thứ II được tổ chức họp và đổi tên là Liên đoàn Bắn súng Việt Nam, gọi tắt là VSF.
  • Môn Bắn súng thể thao nước ta sẽ còn phát triển và những thành tích, kỷ lục ngày càng được nâng cao hơn nữa so với hiện nay.