Cũng vì tính bông đùa, hay tếu táo với các cô gái mà Trần Oanh từng bị hàm oan vì bị nghi ngờ “có quan hệ nam nữ không lành mạnh”. Tổ chức chẳng có chứng cứ gì, chỉ cho rằng “có dư luận như thế” . Mà cái “dư luận như thế”, thời của ông là kinh hoàng lắm. Còn ông chẳng thèm để tâm hoặc giải thích rõ ràng. Rồi bị kiểm điểm, hạ một bậc quân hàm từ thượng uý xuống trung uý. Mãi sau này, ông mới được phong lại quân hàm thượng uý.

Cả cuộc đời tham gia tập luyện thi đấu, năm 1974, Trần Oanh không chuyển sang làm HLV mà trở về quê sống nốt quãng đời nghèo khó với vợ và 6 đứa con (các con của Trần Oanh được đặt tên theo các nước mà ông đã đến thi đấu, lần lượt là Đức – CHDC Đức, Việt-Việt Nam, Tiệp – Tiệp Khắc, Hoa – Trung Hoa, Ba – Cu Ba. Cô gái út tên là Yến được đặt theo tên xã Hải Yến quê ông). Trở về với vùng quê nghèo khó, sáng sáng Trần Oanh vác lưới ra biển đánh cá, chiều về lại xách súng lên núi Chuột Chù săn thú để làm thức ăn cho các con. Bạn bè về thăm, ai cũng ái ngại cho cuộc sống của người xạ thủ.

Năm 1975, ông Cao Đình Tiếp, Phó ty Thể thao Thanh Hoá, mời Trần Oanh ra huấn luyện cho ĐT bắn súng của tỉnh với số tiền bồi dưỡng tương đương 6kg gạo/ngày. Tại đây, ông vừa là HLV, vừa là VĐV và mang về nhiều giải thưởng cho quê hương. Ông chính là người góp công đưa xứ Thanh trở thành một trong những trung tâm bắn súng mạnh của cả nước. Tên ông đã được đặt cho trường bắn của thể thao Thanh Hoá.

Kể về giai đoạn khó khăn này, bà Cao Thị Xang (vợ của xạ thủ Trần Oanh) không khỏi bùi ngùi: “Ông ấy đi quanh năm, một mình tôi lụi cụi nuôi các con… Cũng may mấy đứa con đều khoẻ mạnh, ngoan ngoãn. Sau khi ông ấy mất (nhằm đúng ngày rằm tháng 7 năm 1986), tôi mang tất cả huy chương, huy hiệu… của ông ấy ra xem lại, bà con hàng xóm đổ hết vào một cái chậu nhôm cân thử: 15 kg huy chương. Nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Cực lắm”… Bây giờ các con của cố xạ thủ Trần Oanh đã trưởng thành và có công việc ổn định. Chẳng ai đi theo cái nghề của bố, bởi nói theo cách của bà Xang thì: “Lẫy lừng như bố chúng mà còn chẳng nuôi nổi thân, huống hồ cứ làng nhàng, lẹt đẹt”.

Cao Ngọ-Ngọc Minh

Nguồn Internet