Trần Oanh là người cục mịch, hiền lành, ít nói, và ngoài khẩu súng ra cũng không học hành hay có quan hệ rộng. Rời binh nghiệp, dù nhiều thành tích lẫy lừng nhưng ông đã không trở thành HLV mà lặng lẽ trở về Tĩnh Gia, ngày ngày đi đánh te (bắt tép) ở ven biển. Tay cầm te, tay cầm can rượu. Hình ảnh Trần Oanh cô đơn trên bãi biển mỗi sớm với cảnh nhà nghèo và sáu đứa con không đủ ăn khiến nhiều người bạn về thăm ông đã bật khóc.

Năm 1975, phó trưởng Ty Thể thao Thanh Hóa Cao Đình Tiếp (cũng là một xạ thủ) mến tài người đi trước về tận quê mời ông lên huấn luyện cho đội tuyển bắn súng tỉnh Thanh với tiền bồi dưỡng tương đương 6kg gạo/ngày, giúp ông và gia đình qua những khó khăn.

Hàng trăm tấm huy chương trong và ngoài nước được người lính già mang về quê cho trẻ con chơi. Ngoài tài sản đó và sáu đứa con (mà tên đặt theo các nước ông đã đến thi đấu, lần lượt là Đức, Việt, Tiệp, Hoa, Ba – có nghĩa là CHDC Đức, VN, Tiệp Khắc, Trung Hoa, Cuba và một cô út tên Yến), Trần Oanh không có gì đáng giá trước khi ra đi vĩnh viễn năm 1985.

Suốt bảy năm trời, ngôi mộ của nhà vô địch thế giới nằm thui thủi ở một gò hoang trên bãi biển xã Hải Yến. Năm 1992, trong một chuyến công tác về Thanh Hóa, nghe kể về gia cảnh và mộ phần của nhà vô địch Trần Oanh, cục trưởng Cục TDTT Dương Nghiệp Chí đã họp với lãnh đạo Sở TDTT và hỗ trợ thêm được 4,5 triệu đồng di dời phần mộ ông về chân núi Chuột.

Nhưng chuyện của người đã khuất chưa dừng lại ở đó. Năm 2000, ông được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) công nhận là VĐV xuất sắc nhất thế kỷ 20 của VN từ đề xuất của Ủy ban TDTT (dưới thời bộ trưởng Hà Quang Dự).

Vinh dự mà chưa một nhà vô địch VN nào có được (dù người nhận đã không còn) không thể khỏa lấp được một thực tế buồn: gia đình Trần Oanh với người vợ già 77 tuổi vẫn phải nhận trợ cấp khó khăn từ xã nghèo.

TRƯỜNG VŨ – XUÂN HÙNG

Nguồn Internet