Bắn súng – cuộc chơi sang của người nghèo

Xem tin gốc

Không như hình ảnh về những bài bắn buồn tẻ, không khán giả, câu chuyện trong nghề của các xạ thủ trên hành trình đến Olympic đầy những trải nghiệm vượt khó.

Hoàng Xuân Vinh, một trong hai xạ thủ Việt Nam sẽ tranh tài tại Olympic. Ảnh: Hoàng Hà.

Một va li kéo, một túi xách đồ bằng chất liệu chống nước đựng các loại súng, trang phục thể thao khỏe khoắn, nhìn vẻ ngoài của các VĐV bắn súng giống như người thuộc chủ nghĩa dịch chuyển, đang bước vào một chuyến phiêu lưu mới.

Nhưng sau vẻ ngoài đầy vẻ phong trần lãng tử, chỉ các VĐV mới thấm thía hết độ “công phu” của cái nghề mà theo mô tả của xạ thủ Lê Thị Hoàng Ngọc (người vừa giành vé đi dự Olympic 2012), là nghề “chơi súng”. Cô lý giải: “Đa phần những tay súng giỏi mà chúng tôi gặp mỗi khi đi thi đấu đều là những người đam mê, hiểu súng và nghệ thuật giữ cân bằng hàng đầu”.

Đầu tiên, mỗi VĐV bắn súng VN đều phải là một thợ đẽo báng súng lành nghề. Trong bộ đồ bắn súng của Hoàng Ngọc, ấn tượng nhất là những chiếc báng được gọt đẽo rất thủ công, lồi lõm, xù xì. Trông chúng tương phản mạnh với những đường nét thanh, đanh và sắc của cây súng. Ngọc tiết lộ đó toàn là tác phẩm do chính tay cô tạo ra.

Báng súng tự chế của Hoàng Ngọc. Ảnh: Hoàng Hà.

Mỗi xạ thủ có một cỡ tay khác nhau, những cây súng được đặt và mua về thường không bao giờ có báng súng vừa tay người bắn. Vì thế, công đoạn đầu tiên phải làm với một cây súng mới của người xạ thủ không phải là bắn thử, kiểm tra tính năng, tìm cảm giác bắn mà là tìm báng súng thích hợp.

Ở nước ngoài, câu chuyện khá đơn giản. Trong đợt tập huấn ở Hàn Quốc cuối năm ngoái, các xạ thủ VN được đến tham quan một cơ sở bán súng thể thao lớn. Nhìn một VĐV chủ nhà được HLV dẫn tới, chọn lựa súng hợp theo đúng sức bắn, cỡ báng cũng được gọt đẹp láng bằng máy ngay tại cửa hàng, các xạ thủ Việt đều chạnh lòng.

Nhưng ở trong nước chuyện có một báng súng đẹp vừa cỡ tay lại không dễ dàng. Các xạ thủ chỉ có cách phải tự tay gọt báng. Cứ gọt và ướm thử đến khi nào cảm giác vừa tay, thao tác kỹ thuật chuẩn mới thôi.

Đi tập huấn nước ngoài, xạ thủ Hà Minh Thành không kìm lòng được, bỏ ngay hơn 100 euro tiền túi mua một báng đúng vừa cỡ tay cho khẩu súng cò cơ của mình. Nhưng sang năm mới, khi cả đội được trang bị súng có cò điện tử, cái báng hàng thửa Thành tâm đắc bấy lâu bỗng thành đồ bỏ, vì không vừa với súng mới.

Cây súng mới được cấp tháng trước hiệu Morini CM 162 EI sản xuất tại Thụy Sĩ để dành cho nội dung súng ngắn hơi của Hoàng Xuân Vinh hiện giờ vẫn đang nằm im trong hộp, chờ chủ nhân gọt lại báng. Cây súng này có cò điện tử, áp lực cò cân bằng hơn. Nhưng trong Olympic 2012 tới đây, Vinh sẽ vẫn sử dụng cây súng cũ đã giúp anh đạt thành tích cao. Lý do, ngoài việc chưa gọt lại báng cho vừa tay, xạ thủ quân đội còn phải mất một thời gian nữa để tìm được cảm giác quen thuộc và ổn định với súng mới.

Với môn thể thao đòi hỏi độ chính xác cao độ, cần rèn luyện rất kỳ công những phản xạ, khả năng tính toán thời gian và điều tiết bản thân với nhiều loại súng quy định, thì chuyện có súng mới dùng súng cũ không quá lạ lùng.

Trong bắn súng thể thao ở Việt Nam hiện nay có nhiều loại súng dành cho các nội dung súng trường và súng ngắn, với hai loại đạn nổ và đạn hơi. Tổ súng ngắn – nội dung Việt Nam có 2 xạ thủ giành quyền dự Olympic 2012 – có 4 loại. Hoàng Ngọc cùng các đồng đội như Hà Minh Thành, Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường… đều phải nắm thành thạo các loại súng này.

Các tuyển thủ tập luyện trên bia giấy, còn khi thi đấu quốc tế bắn bia điện tử. Ảnh: Hoàng Hà.

Chính trong hoàn cảnh không thuận lợi như thế, thày trò đội tuyển bắn súng đều ý thức chắt chiu, vượt khó để nâng cao thành tích thi đấu.

Liên tục chiếm ngôi số một Đông Nam Á, bắn súng bất ngờ giành 2 HC bạc, 3HC đồng tại Asiad 2010, thành công liên tiếp đến với đội bắn súng khi Hoàng Xuân Vinh và Lê Thị Hoàng Ngọc trở thành các xạ thủ đầu tiên của Việt Nam giành vé dự Olympic.

HLV trưởng đội tuyển bắn súng quốc gia Nguyễn Thị Nhung cho biết, đích ngắm tới đây của đội là giành HC tại Olympic 2012. Để chuẩn bị cho kế hoạch lớn này, các xạ thủ sẽ tham dự 3 giải quốc tế (hai Cúp thế giới, một giải vô địch Đông Nam Á) và có 2 đợt tập huấn ở Hàn Quốc. HLV trưởng nói: “Đây là chương trình tập huấn và thi đấu đặc biệt để chuẩn bị cho Olympic. Chúng tôi quyết tâm tới Thế vận hội để tranh HC, chứ không chỉ để thi cho có”.

Minh Hà