Các xạ thủ Thanh Hóa  tập luyện tại trường bắn mang tên Trần Oanh
Trường bắn Trần Oanh – Thanh Hóa 2010
————–

2 giờ 30 phút sau câu nói nổi tiếng của mình, xạ thủ Trần Oanh đã xác lập kỷ lục thế giới mới, với 587 điểm ở môn bắn súng ổ quay tại Plezen (Tiệp Khắc cũ)…

Chúng tôi về thăm lại gia đình của cố xạ thủ Trần Oanh ở xã Hải Yến, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) và may mắn gặp anh Trần Đức, con trai cả của xạ thủ Trần Oanh mới từ miền Nam ra… Trần Đức giờ giữ chức Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng Trung đoàn 88, sư 302, QK 7 với cấp hàm thượng tá QĐND VN. Câu chuyện về người xạ thủ lừng lẫy diễn ra trước mắt chúng tôi bằng ký ức anh Trần Đức.

Giặc Tây khiếp vía

Sinh ra và lớn lên ở vùng biển Hải Yến – nơi người sống được nhờ khoai và cá. Năm 1949, khi tròn 17 tuổi, Trần Oanh gia nhập bộ đội địa phương đánh Pháp. Với khẩu Mút-cơ-tông cũ kỹ ban đầu, Trần Oanh tỏ ra là xạ thủ với tài “bách phát bách trúng”. Lính Pháp tập trung ở cứ điểm đồn Cổ Lũng (Bá Thước) đã từng kinh sợ và đặt biệt hiệu “Thợ săn số 1” trên cung đường La Hán – Hồi Xuân, Vạn Mai- Suối Rút (nay là  quốc lộ 15B Thanh Hóa – Hòa Bình). Những lúc rảnh, Trần Oanh lại xách súng vào rừng săn thú giúp đồng đội cải thiện bữa ăn. Tài nghệ của ông nhanh chóng được cấp chỉ huy phát hiện và khuyến khích để ngày càng hoàn thiện kỹ năng. Ông liên tục được cử đi tham gia các cuộc thi bắn súng ở cấp trung đoàn, sư đoàn và lần thi nào cũng giành giải nhất, với những đường bắn “trúng vòng 10”. Hòa bình lập lại ở miền Bắc năm 1954, Trần Oanh được chuyển về Đoàn bắn súng, trực thuộc Cục Quân huấn của Bộ Quốc Phòng.

Ở Đoàn bắn súng, Trần Oanh kết thân với Hồ Xuân Kỷ (quê ở huyện Hà Trung, Thanh Hóa) – người vừa là HLV, vừa là đồng  đội giúp Trần Oanh hoàn thiện các kỹ năng sử dụng súng thể thao, và cũng từ thực tiễn huấn huyện Trần Oanh, ông Kỷ rút kinh nghiệm, tổng kết để viết ra quyển giáo trình giảng dạy của bộ môn bắn súng (là giáo trình huấn luyện bắn súng đầu tiên ở VN). Từ đây, cuộc đời của Trần Oanh thăng hoa với hàng loạt những chiến công hiển hách mà ông mang về cho quân đội, cho Tổ quốc…

Phút giây lịch sử

Tháng 7-1962, Trần Oanh là 1 trong số 12 VĐV bắn súng VN dự giải bắn súng quân đội các nước xã hội chủ nghĩa tại Plezen (Tiệp Khắc cũ) – một giải đấu uy tín hàng đầu thế giới lúc bấy giờ. Ông Nguyễn Truật, nguyên là Trưởng bộ môn bắn súng của ngành thể thao Thanh Hóa, đồng thời cũng là người bạn vong niên của Trần Oanh kể:

“Ở loạt bắn thứ 10 môn súng ngắn ổ quay (nội dung mà Trần Oanh tham dự), có tới 3 VĐV của Liên Xô (cũ), Hungary và Đông Đức bắn được 585 điểm. Ngay sau đó, mức điểm này đã bị xạ thủ người Tiệp Khắc vượt qua với 586 điểm, bằng với kỷ lục thế giới lúc bấy giờ do đại úy lục quân Mỹ McKlein nắm giữ. Các thành viên nước chủ nhà hò reo cổ vũ rân trời…

Cơn phấn khích tạm lắng xuống để chĩa ống nhòm về bệ bắn của Trần Oanh. Lúc ấy, người xạ thủ VN đang bình tĩnh bắn từng viên đạn trúng tâm đích. Trước khi bắn viên cuối cùng, điểm số của Trần Oanh là 577 điểm. Thời gian như ngưng lại để rồi vỡ òa ra sung sướng khi viên đạn cuối đã bắn trúng vòng mười. 587 điểm! Con số ấy được hô vang bằng nhiều thứ tiếng, với một cảm xúc phấn khích khôn tả. Kỷ lục thế giới của môn bắn súng ổ quay do người Mỹ nắm giữ bị xô đổ một cách ngoạn mục. Khi Trần Oanh hạ súng xuống thì tất cả những người ở trường bắn, bất kể màu da, đều xô đến công kênh ông. Kỷ lục này  là niềm vinh dự cho cá nhân Trần Oanh và cho thể thao Việt Nam.

Ca ngợi thành tích của Trần Oanh, nhiều tờ báo uy tín trên thế giới đã căng tít: “Phát súng thứ sáu mươi”, hay “Kỳ tích của xạ thủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”… Nhưng dấu ấn sâu đậm, khắc họa tính cách và tài năng của Trần Oanh, mà sau này đã trở thành giai thoại (với nhiều dị bản) về cuộc đời VĐV của ông vẫn còn ở phía trước…

Kỳ 2: Cuộc đời không may mắn